Đọc báo kèm theo google để hiểu võ vẽ một vấn đề cụ thể


Trưa nay, một đoạn tin đáng chú ý trên báo khiến tôi phải tò mò tìm hiểu thêm.

Đoạn kết buồn của Toshiba

Việc Toshiba rời thị trường chứng khoán sau 74 năm được xem là đoạn kết buồn cho một trong những công ty hùng mạnh nhất Nhật Bản.

Nguồn: Tàu Nhanh

Việc tìm hiểu trong vài phút giúp tôi nhận ra mình đã nhận diện sớm và không “ăn” phải bánh vẽ của báo lá cải. Đầu tiên, tập đoàn này tự huỷ niêm yết (chứ không phải “bị” huỷ niêm yết bắt buộc). Đây là một hoạt động khá hay của các ông chủ mới. Quả bánh vẽ thứ hai, Toshiba nào có cái kết cục gì đáng buồn như thế, (trừ một mã cổ phiếu đã rời sàn) và tập đoàn này nào đã kết thúc gì đâu!

Thật vậy.

Tập đoàn Toshiba ngày 21/9 cho biết một tập đoàn tài chính do Đối tác công nghiệp Nhật Bản (JIP) đứng đầu đã hoàn tất mua lại Toshiba, dọn đường cho việc tư nhân hóa và hủy niêm yết của công ty. (nguồn) Nếu báo ít nhiều cũng lá cải này là đúng, (do tôi không có cơ sở đối chiếu với các báo cáo tài chính) thì động thái tư nhân hoá là một hành động đủ tốt. Quyết định hình thái công ty đã được thông qua, và khi trở thành một doanh nghiệp tư nhân đã cho thêm doanh nghiệp khổng lồ quyền năng đối với thông tin công bố; thay vì tiêu tốn nguồn lực cho việc công bố thông tin bắt buộc khi giao dịch chứng khoán.

Việc một công ty niêm yết và rời sàn là điều hết sức bình thường. Thế giới có rất nhiều các công ty thịnh vượng hơn sau khi không còn là công ty đại chúng.

Báo cáo tài chính cho thấy từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2022, doanh thu của Toshiba là 2,3 nghìn tỉ yên (khoảng 17,3 tỉ USD), lợi nhuận ròng là 84 tỉ yên (khoảng 630 triệu USD) và số lượng nhân viên trên 116.000 người. (nguồn) Hiện tại, tài sản cốt lõi còn lại của Toshiba bao gồm các mảng kinh doanh năng lượng, giải pháp hệ thống cơ sở hạ tầng, giải pháp kỹ thuật số, nghiệp vụ chất bán dẫn. (nguồn)

Tuy công ty Toshiba vướng phải các gian lận tài chính thổi phồng 1,2 tỷ USD lợi nhuận, giá trị “bốc hơi” trên sàn chứng khoán (Nhật), lỗ lã trong kinh doanh, nhưng với báo cáo tài chính 3 quý như trên đã trích dẫn, thì Toshiba đã lãi 3.6% trong kỳ. Như thế là quá cao so với một công ty Nhật, và một công ty “khủng hoảng”.

Thực vậy, Toshiba vẫn sẽ là một cái tên lộng lẫy trên thương trường nhờ vào nguồn vốn của các cổ đông mới và hình thái mới của nó (là công ty tư nhân, Private Equity). Tuy chuỗi bán tài sản của Toshiba sẽ sắp dừng lại (vì đã hết “hàng” để bán), nhưng quả thật dư địa phát triển của Toshiba còn quá tốt:

Năm 2015, Toshiba bán mảng kinh doanh cảm biến hình ảnh cho Sony; năm 2016, Toshiba bán 80,1% cổ phần ở mảng kinh doanh thiết bị gia dụng và 40 năm quyền sử dụng thương hiệu Toshiba trên toàn cầu cùng hơn 5.000 bằng sáng chế liên quan đến đồ điện gia dụng cho hãng Midea.

Năm 2016, công ty con về thiết bị y tế của Toshiba là “Toshiba Medical Systems” đã được bán cho Canon; năm 2017, Toshiba đã chuyển nhượng 95% cổ phần kinh doanh TV cho Hisense. Năm 2018, một tập đoàn do Bain Capital đứng đầu đã đầu tư 18 tỉ USD mua lại công ty chip nhớ của Toshiba. Cùng năm, Toshiba đã bán 80,1% cổ phần kinh doanh máy tính của mình cho Sharp. Năm 2022, công ty con sản xuất điều hòa không khí của Toshiba là Toshiba Carrier đã được bán cho hãng sản xuất máy điều hòa Carrier Air Conditioning của Mỹ.

Nguồn.

Nếu thông tin trên còn đúng đến lúc này, thì với 5% mảng TV, 20% mảng máy tính, và quyền khai thác 5 ngàn bằng sáng chế còn thời hiệu 10-25 năm tuỳ vào việc đăng ký sáng chế như thế nào; Toshiba thừa sức tồn tại 100-200 năm nữa.

Tóm lại đọc báo xong google rồi viết ra để hệ thống hoá kiến thức, sẽ giúp một người đọc báo trở nên bớt cuồng (overeact) trước thông tin mang tính lá cải, giật gân.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.