NỮ NHÂN THUẦN DƯƠNG TƯỚNG LUẬN


Bài viết thể loại trào phúng, 1,600 chữ, đọc trong 5 phút.

“Bậc tướng thuật cao siêu, chỉ cần nghe giọng nói khi trò chuyện, hoặc có tướng thuật chỉ cần quan sát khí sắc, có người lại chỉ cần xem mỗi cốt tướng. Còn đã là bậc tướng thuật cao siêu, mà lại chịu kết hợp tất cả những quan sát đó, thì dù có xem xét hàng trăm người cũng không thể sai sót một người nào cả”. (Trích phần 4, Thành bại, tại vu quyết đoán chi trung- khi cần quyết đoán thì phải quyết đoán, sách Nhân Tướng Phú, Trần Khang Sinh biên soạn).

Trường hợp đại uý Lê Thị Hiền phút chốc thành bão mạng, và bị cấm bay 12 tháng, thì không thể không sai sót một từ ngữ nào bởi tốc độ truyền tin và độ chân thực của các clips, được báo đài chính thống đăng tin, sau khi có chen tiếng bip truyền thống của phim ăn nói tục tĩu Hoa Kỳ.

No photo description available.
Ảnh sưu tầm và không liên quan 🙂

Tóm tắt sự vụ: ngày 11/8 chị bay với con nhỏ và hai hành khách khác, khi nằn nì bất thành để được miễn cước hành lý, đã mạt sát nhân viên quầy làm thủ tục check in bằng nhiều lời lẽ kém văn hoá. Hành khách này sau đó có lý giải con ốm và không được các nhân viên sân bay hỗ trợ (theo kiểu người có con nhỏ) nên đã không kiềm chế được. Xui cho chị, vì sơ suất bị mất thẻ lên máy bay (boarding pass) nên khi quay lại quầy để “xin” lại vé này thì đã không được giải quyết bay. Sự vụ sau đó được tung lên mạng, người ta thấy chị bị còng tay và hô to rằng bị vỡ đồng hồ trị giá 6,000 đô la, trong khi toàn clip thấy rõ cảnh chị tấn công các nam nhân viên mặt đất bằng thái độ hung hăng khiêu khích, mạ lị người khác. Clip này, sau đó bị chị ta cho rằng đã bị cắt cúp dàn dựng, mặc dù thừa nhận người trong clip là mình.

Thành thực mà nói, thì nhân viên quầy dịch vụ mặt đất của các hãng bay VN nói chung, và đặc biệt các hãng bay giá rẻ, đều không cư xử nhã nhặn với hành khách cho lắm. Điều đó cũng dễ hiểu bởi sự quá tải trong công việc của họ, và ở thái độ của hành khách là chủ yếu: khách kích động không cần thiết, khách vội vã và khách nì nằn. Ngắn gọn thì dịch vụ hơi yếu so với chuẩn, còn khách khứa thì quá xa so với chuẩn mực cần có.

Nói như một hành khách nào đó tôi đã gặp trong một chuyến bay dạng giá rẻ, “Tàu bay gì tệ hơn cả xe liên tỉnh”.

Hành khách trên chuyến bay số hiệu VN248 lộ trình TP.HCM – Hà Nội đến sân bay vào khoảng 13 giờ 35 phút ngày 11/8 ở những phút đầu của clip nom hao hao 30-40% hành khách ta thường thấy. Có thể nói, khách hàng Việt Nam nói chung ít có tâm lý và khả năng bộc lộ sự bực bội một cách nhã nhặn, lịch thiệp và hoa mỹ. Vì thế, thay vì quản trị cơn giận của mình, thì họ lại thổi bùng lên những đốm giận nhỏ nhoi bởi làn gió vô cớ của chính mình.

Vì thế, khi bực bội hành khách dễ xảy ra lời qua tiếng lại, điều ấy lại khiến cho nhân viên mặt đất thêm căng thẳng. Xâu chuỗi lại, khi nhân viên này bật khóc thì chị Hiền lại có lời thô tục, theo tôi là cũng hợp lý dù khó có thể chấp nhận. Một người làm công an thì cái đúng sai đối với họ rất là quan trọng, và tại thời điểm này có lẽ chị vẫn thấy mình đúng.

Việc chị không tỏ ra đồng cảm hoặc ân hận vì đã làm cho người khác phát khóc, tuy khó coi thật, nhưng không xa lạ với người Việt Nam. Họ không ý thức được tác động của hành vi mình làm lên người khác, cốt yếu sao cho mình được hả giận cái đã. Đó là một nét cư xử, tuy chưa hợp lý lắm, nhưng đã ăn khá sâu vào nhiều người, trong đó có bà đại uý. Cho đến phút này trong đôi mắt tôi, bà vẫn còn tương đối tỉnh táo, chỉ là chút ngoa ngoắt đàn bà Bắc thường thấy.

Cổ nhân có câu nói Trông mặt mà bắt hình dong. Nhìn bộ dạng ăn mặc kiểu tiện lợi, ta khó lòng mà mong một lối cư xử bặt thiệp. Chất giọng khàn đục, âm lượng lớn sẽ tiên báo cho ta cung cách kém tinh tế, thiếu nhã nhặn và sự hiệu chỉnh ý thức đến thái độ là điều ta không nên mong đợi.

Sách Trần Khang Sinh biên soạn, quyển Nhân tướng phú, có nói rời rạc ở phần 3, “Giọng nói khô rít, không thể có tài lộc”; và “Đáng sợ nhất là hạng vừa khóc lóc, vừa giận đùng đùng, vừa chửi bới, mỏng môi, nhọn miệng, thì không thể chân thực”. Ngẫm quá đúng, sách biên soạn từ các quyển viết từ đời nhà Kim, mà sao cứ như tác giả sống lại và xem clip ngày 11/8/19 xong thì cảm thán mà viết rành mạch như vậy.

Lại nói về Âm Dương, Thịt Xương. Bài trước tôi trích dẫn cổ nhân, quá ngắn gọn nên nghe như khó hiểu http://bit.ly/2PiXyaU. Đại khái người xem tướng không như người bình thường, khái niệm đẹp xấu của người tướng học và người bình dân có nhiều chỗ khác biệt nhau rất xa. Thí dụ, nhiều bà nhan sắc chim sa cá lặn, thì các nhà xem tướng lại chê. Còn những bà ma chê quỷ hờn, thì lại được các nhà xem tướng khen nức nở. Trường hợp này tôi không muốn bình phẩm về dung mạo, vì quả bất nhã khi luận về nhan sắc của một người đàn bà mà lại không thể tặng cho nàng ấy đôi lời khen.

Đàn bà thường tự ti về nhan sắc của mình mà lại thầm ghen với dung mạo người khác. Lẽ ấy cho nên ta nghe có câu “Đã xấu lại còn ngu”. Xin chớ vội dùng ảnh cắt cúp trên mạng để hiểu về nhan sắc của hai thị, như ảnh đây đã chép về. Một đằng là nhân viên hãng bay, tổ chăm sóc khách hàng, nên chuẩn tuyển dụng phải là vừa đẹp lại mềm dẻo và giỏi nghiệp vụ là chuyện bắt buộc. Vì thế, có lẽ, nhan sắc của cô gái này tương đối xấu so với đồng nghiệp làm cùng hôm ấy, hoặc so với các hãng bay khác, ví dụ United Airways hoặc Emirates chẳng hạn.

Image result for đã xấu lại còn ngu lê thị hiền

Trong mắt tôi, cân phân xương thịt, thì nữ đại uý có nét xương thô, thịt thô, tựu trung là tính chất thuần dương, mang tính sát phạt cao, phù hợp làm các nghề sát, như cảnh sát, an ninh, điều tra, võ sĩ, võ sư,… Vì sự hợp lý như thế, nên biết đâu đại uý Hiền là hoa khôi trong lực lượng phản ứng nhanh Quận Đống Đa, Hà Nội?

Tóm lại, lời chê của đại uý thì có phô, nhưng đầy sự hợp lý.

Hành vi xấn xổ và kích động cho nam nhân viên an ninh mặt đất đánh vào người, “Mày đánh tao đi”, kể ra cũng không tồi lắm, đầy “nghiệp vụ”. Hoàn toàn hợp lý khi sử dụng trấn áp tội phạm (nhưng chắc không ai làm) hơn là khi đối diện với nhân dân và bảo vệ/ người mặc sắc phục. Tôi cho là bà Hiền thuộc bài, rất tự tin; hơn nữa bà không bay quen cho lắm. Khi căng thẳng, thì dễ to tiếng, và dễ dồn người khác vào thế bị động.

Điều đáng bình luận nhất là tư tưởng và triết lý của bà. Khi không còn biết nói gì thì bà chỉ có thể doạ dẫm nữ đối thủ, “Tao bỏ tiền chạy facebook cho mày ế chồng”. Đây là một lời nói dối, và là “ngoa ngôn” (nói phóng đại) vì rõ ràng có nhiều biện pháp nghiệp vụ hiệu quả và rẻ tiền hơn. Đáng buồn nhất là bà Hiền không nhận ra sự vô lý trong chính các luận điểm của mình. Đã xấu lại còn ngu, thì cần gì phải dìm hàng, vẫn sẽ ế chồng mà thôi!

Mặc dù tôi không ủng hộ cũng như phản đối gì bà Hiền, một người không quen biết, với việc phát rồ của mọi Facebookers, đôi khi cũng hơi thái quá. Những nhà đạo đức ném chửi bà Hiền những lời lẽ còn độc địa gấp trăm lần lời nói của bà lúc tức giận, đó là điều chẳng hay ho, mà đáng buồn bà Hiền đành phải nhận lấy. Mong rằng sau hạn 30 ngày bà lại tiếp tục được công tác trong ngành Công An, là ngành phù hợp với ngoại hình của bà.

Dù cảnh tượng qua clip quá ồn ào, nhưng hình phạt 200k là tương đối đủ “đô” cùng với “bão Face”.

Có lẽ đã đến lúc mỗi người nhận ra “dấu ấn số” (digital footprint) của mình sẽ có hiệu quả tức thời và dài lâu, để cư xử với nhau hiền hoà, tếu táo và thi vị hơn. Tôi rất mong ý kiến của tôi mua vui được giây lát cho bạn đọc, và hy vọng rằng giữa các ý kiến khen chê, thì lời của tôi thuộc nhóm tử tế và đứng đắn nhất.

2 comments

  1. […] tôi không thể tiếp anh chị” như kiểu tiếp viên hàng không khó lòng từ chối khách bất lịch sự, thô lỗ. Thực ra mình hiểu khách chủ yếu cũng chỉ muốn vấn đề của họ được […]

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.