Ghi nhanh: HỒI QUY TIỀN KIẾP- HỒI QUY LƯỢNG TỬ


Dưới đây là một bài tập viết hàng ngày của tôi. Mỗi ngày tôi dành ra 20p để học viết về một vấn đề cụ thể. Bài viết này hướng đến chủ đề đang hot “Hồi quy tiền kiếp”, với chủ đề hẹp hơn là “Hồi quy lượng tử” dưới 3 góc nhìn: người bình thường với cách hiểu thông thường, người có thực tập tâm linh- thiền định, và nhà tiếp thị. Mỗi góc nhìn sẽ có sự khác biệt về điểm tựa tri thức và cách lập luận dựa vào quan điểm và các dữ kiện tri thức vốn có.

Bài đã được viết trong khoảng thời gian 60-90 phút do lỗi kỹ thuật của WordPress.

NGƯỜI BÌNH THƯỜNG- HIỂU THÔNG THƯỜNG

Nếu là người bình thường, hiểu thông thường, thì hồi quy tiền kiếp không khác gì trò hầu đồng, nhập hồn, cầu cơ, trò chuyện với ma quỷ, người thân đã chết,… Khác biệt lớn nhất là các trò vừa kể thì thông qua một người dẫn đường, một “thông dịch viên”, một “hướng dẫn viên” (có thể là bà hầu đồng, đồng nam trinh nữ được mượn xác,…) thì người A có thể trò chuyện với người B về bất kỳ vấn đề nào. Thậm chí có khi người cần phải hỏi chuyện sẽ không được trả lời mà một người nào đó “có duyên” và ngồi trong “vòng tròn ma thuật” được chọn lựa để trò chuyện bởi “linh hồn”.

Bỏ qua các vấn đề về an ninh trật tự xã hội và quan điểm/ phương thức quản trị của chính quyền địa phương thông qua công an khu vực; thì cá nhân tôi không đánh giá cao các phương pháp này. Nó đơn giản là không có cơ sở để kiểm chứng; và đơn vị lừa đảo thì nhiều hơn là tài năng thực thụ. (Xem bài viết về bộ phim HereAfter để hiểu thêm về hàng trăm trường hợp lừa đảo hầu đồng của Anh- Pháp- Mỹ và một trường hợp thực thụ có thiện bẩm về khả năng trò chuyện với người đã qua đời). Tuy nhiên phương pháp này vẫn có những điểm đúng đắn và giá trị của nó có thể kiểm chứng được đối với một số trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên niềm tin dành cho nó có vẻ như lớn hơn giá trị mà nó xứng đáng nhận.

Cá nhân tôi tuy chưa từng “vào” trường hợp tương tự nhưng đã tận mắt thấy vài trường hợp. Ví dụ như một người bỗng hành xử khác thường, với hành vi và đặc biệt, giọng nói khác thường.

Trước đây khi tôi có thời gian xem youtube của các thầy, thì họ giảng giải về hiện tượng tâm linh này rất đơn giản. Cơ thể mình ví như ngôi nhà, nó có một cái hồn (chính ta) là chủ hộ. Vì lý do nào đó, một (số) cái hồn khác chiếm quyền chủ hộ của ta. Đó là một hiện tượng không hay và ta không nên sa ngã vì các ảo giác tâm linh đó.

NGƯỜI CÓ TU HỌC- HIỂU VÀ KHÔNG BÁM CHẤP

Người tập luyện theo một hình thức tâm linh, cụ thể là Thiền, cần có sư phụ để hướng dẫn. Điều đó ai cũng biết. Tuy nhiên nếu có sư phụ, thì có thể sư phụ sẽ cho phép được truyền pháp nếu đạt đến một cấp độ [tâm linh, quả vị] nào đó. Có rất nhiều tác giả và thiền sư có tiếng, ví dụ Osho, hoặc ông tác giả Năng đoạn kim cương; lại là những người mà sư phụ của họ tuyên bố chính thức là họ không được cấp phép để truyền pháp. Tôi ngờ rằng ông cư sĩ viết về “Thôi miên lượng tử” không phải là người đã được cấp phép để viết về những trải nghiệm thiền định dưới góc nhìn “lượng tử”.

Mà có lẽ, vị sư phụ cũng sẽ chẳng thể nào chứng cho vị học trò của mình, bởi 3 lý do (a) lĩnh vực truyền thông của học trò là “lượng tử” là một khái niệm tuy đạt nhiều thành công vang dội trong sự ứng dụng song chắc chắn không phải chuyên môn của ông- trừ phi người sư phụ này vốn dĩ là một tiến sĩ vật lý chuyên ngành lượng tử như ông Trịnh Xuân Thuận hoặc ông Matheus Ricards. (b) lĩnh vực thôi miên là một chuyên ngành đại học của ông thầy đó, như thể cô gái xinh đẹp trong bộ phim lừng danh “Vô gián đạo” (infernal affairs). (c) các vấn đề về quyền hạn truyền thông và trách nhiệm cá nhân, dưới sự bảo trợ tâm linh của vị thầy cụ thể.

Tóm lại, ở góc độ tu học, tôi hình dung vị cư sĩ như đang “vượt rào” để truyền thông và chiêu sinh học viên cho các lớp học của ông ấy. Cụ thể hơn về chiêu trò và phương thức tiếp cận, xin trình bày ở mục bên dưới.

Trong khuôn khổ phần viết này, tôi cho rằng tác giả có phần “sáng tạo” khi sử dụng khái niệm “lượng tử” thay cho khái niệm “nghiệp” có vẻ là tương đồng.

Đại khái từ nguồn wikipedia [1] mà tôi hiểu được, thì cơ học lượng tử là nền tảng vật lý dựa trên cơ sở các vật chất rời rạc. Khái niệm này từ hồi lớp 10 (quãng năm 1994-1995) thầy Nguyễn Thành Tương đã nhiều lần lồng ghép trong môn Vật Lý mà chúng tôi phải học theo cơ sở Vật Lý cổ điển (vật chất cụ thể). Theo tôi còn nhớ mài mại một ví dụ [“sống mà không lương thiện sẽ đầu thai làm con giun con dế” cần phải hiểu đúng đắn là “một số phần tử nhỏ sẽ hoá thân thành công chúa hoàng hậu, còn lại nếu làm ác thì phần lớn phân tử sẽ hoá kiếp vào đống rác, vào đống phân” vân vân]. Cách hiểu này tương đối đúng đắn với sự hiểu của Phật giáo mà tôi được học: Phật giáo phủ nhận thuyết linh hồn cũng như sự tồn tại của linh hồn.

Cách hiểu và giải thích về mối quan hệ nhân quả giữa các kiếp sống của Phật giáo là “nghiệp” và “nhân duyên”; nó cũng na ná như kiểu “lượng tử”. Các “hạt” vật chất siêu nhỏ sẽ hấp dẫn lẫn nhau và “oán trả ân đền” theo quy luật nhân quả. Tuy nhiên thời gian để “trả nghiệp” là một sự bí ẩn. Đại khái thì A giết B nên B phải giết lại A trong một quãng thời gian nào đó, nếu “đầy đủ nhân duyên”. Cứ như thế “điên đảo mộng tưởng”, “trùng trùng duyên khởi”, “trầm luân sinh tử” vân vân. Tóm lại vay trả trả vay không bao giờ hết.

Quan điểm của Phật giáo là cần “buông xả” vì mối quan hệ nghiệp rất phức tạp, người bình thường không thể hiểu được. Ví dụ mình là B thì khi phát sinh mối giận với A cần buông đi, bỏ đi, “xả” ra để kết liễu nghiệp. Vì thế, cách hành xử Từ Bi Hỉ Xả [“non violence actions”] của Phật Giáo dễ bị hiểu lầm là yếm thế, không triệt để, …. Kỳ thực chúng là chuỗi các hoạt động hết sức chuyên cần, có phương pháp và vô cùng nặng nề [hard core] đối với người thực hành, bởi “Tĩnh là trạng thái tuyệt đối của động”.

Gần đây có một số quyển sách được xuất bản và được khen rầm rộ về mối quan hệ giữa các kiếp sống, ví dụ như có ông bác sĩ tốt nghiệp trường danh tiếng và dùng phương pháp thôi miên để gọi về các kiếp sống trước đó với mục đích chữa các căn bệnh về thân thể và tâm lý cho các bệnh nhân của ông. Cách tiếp cận phương Tây này phù hợp với y đức (ý chí của bệnh nhân là dùng mọi cách thức và nguồn lực có thể để chữa lành bệnh tật); có thể cách chữa này hiệu quả đối với một số bệnh nhân- nhưng ta không thể có cơ sở nào để xác định nó có nên là phương pháp chữa trị đại chúng; cũng như “nó có phù hợp với ta”.

Khi nhìn được tiền kiếp thì khả năng giải được các vấn đề hiện tại là đầy cơ sở. Tuy nhiên, một lần nữa, tôi lại nghi ngờ. (Xin mời quý vị đọc bài cụ thể về sự nghi ngờ mà ngày mai tôi sẽ viết)

Dù sao đi nữa, cũng phải rất cảm ơn “bạn” tu đã cho tôi có dịp ôn lại vài ba kiến thức và có cơ hội viết ra chúng.

NHÀ TIẾP THỊ- GÓC NHÌN CHUYÊN MÔN

Ở góc độ tiếp thị sản phẩm trong một thị trường mới đối với ngành hàng và sản phẩm mới, tôi đánh giá rất cao việc nhà bán hàng xây dựng được một “hệ thống tư tưởng” mới lạ và mang vẻ huyền học, hàn lâm; nắm bắt được xu hướng.

Thời loạn lạc là thời niềm tin hoang mang, các giá trị xã hội cũ không còn đúng đắn hoặc phát huy tác dụng, mà các giá trị vật chất cũng đảo lộn. (Mời xem bài viết của tôi về thời đại VUCA) Loạn lạc thời tiền sử là đấu tranh sinh tồn để có miếng ăn hàng ngày hoặc chống chọi lại với thiên nhiên và bầy người khác. Loạn lạc thời ông bà, cha mẹ, … không khác mấy với chiến tranh vũ trang giữa các “quốc gia” (bầy người hiện đại). Loạn lạc thời hiện đại là sự đứt gãy của tri thức và sự mê muội. Thực ra, sự mê muội thì thời nào cũng có. Lịch sử từng ghi nhận các tộc người “văn minh” hơn đã copy kho tàng tri thức của tộc người bị xâm chiếm; hoặc đốt bỏ các sách vở,… Tóm lại “chiến tranh văn hoá” đã nhường chỗ cho sự “xâm thực văn hoá”.

Với sự mất niềm tin vào thực tại, mạng xã hội đầy đất diễn cho các nhà tiếp thị kiêm người hướng dẫn tâm linh. Nắm bắt hiện trạng và khai thác được nó, là một “tài năng” thị trường.

Ở góc độ giá cả của sản phẩm, tôi có phần không đồng tình với nhận định của nhiều bài báo là “bán giá trên trời”. Sản phẩm nào cũng có thị trường của nó, và khi sản phẩm đó vì lý do gì không thể sống tồn với thị trường thì nó sẽ bị đào thải. Nước Mỹ với hãng xe Ford huyền thoại (mà tôi mê lịch sử của nó) cũng chứng kiến sự diệt vong của hàng loạt hãng xe đương thời. Nếu như nhà tạo ra sản phẩm tuân theo “quy luật thị trường” thì tôi cầu mong thị trường sẽ kiểm chứng giá trị của nó. Quy luật thị trường về góc độ giá cả sản phẩm nghĩ cũng tương đối đơn giản. Nhà sản xuất sẽ phải tính toán ra giá cả sản phẩm rồi cộng với mức lời anh ta mong muốn; giả sử ra mức giá thành sản phẩm đến tay người dùng cuối là A. Tiếp tục anh ta làm thêm bài tập tương tự: thị trường có các sản phẩm tương tự được chào bán với mức giá nào và giá trị nó cung ứng là gì. Từ đó anh xác định giá sản phẩm đến tay người dùng cuối là B- “phân khúc” thị trường mà anh tự tin nhất về chiến thắng của mình. Cuối cùng anh so sánh A và B để hoàn thiện sản phẩm và “market proposition” (tạm hiểu như các giá trị mà sản phẩm cung ứng cho thị trường); rồi quyết định giá cuối cung để chào bán sản phẩm. Khi này có thể mức giá dao động quanh A và B chứ không nhất thiết là A hay B như các bước trước nữa.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm 10 năm làm thuê về “Quản trị sản phẩm”, tôi cho rằng còn một chặng đường rất dài và đầy thử thách để “nhà sản xuất” có thể duy trì được vị thế thị trường cho sản phẩm nhóm ngành mới lạ Tâm- Vật- Linh- Lý của mình. (Tâm Vật Linh Lý= Tâm lý kết hợp Vật lý hiện đại kết hợp yếu tố Tâm Linh pha chút ít logics Lý luận)

Yendieu, the Author.

Link liên kết:

[1]: https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C6%A1_h%E1%BB%8Dc_l%C6%B0%E1%BB%A3ng_t%E1%BB%AD


Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.